Áp thuế giá trị gia tăng đối với phân bón: Doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật thuế 71 đưa phân bón chịu thuế 5% trong thời gian tới?
Việt Nam là một nước nông nghiệp, sản xuất phân bón là một trong những ngành phục vụ trực tiếp nông nghiệp, nông dân. Trong bối cảnh đó, rõ ràng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp tốt hơn thì phân bón nên là hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Khi đó các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ, một cách gián tiếp giảm giá thành sản xuất phân bón hài hòa lợi ích của các bên, tạo sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu, góp phần giảm giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất- (Bộ Công Thương) |
Chúng ta được biết, ngày 1/1/2015 Luật thuế 71 có hiệu lực và theo đó phân bón là hàng hoá không chịu GTGT, nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ, chi phí sản xuất tăng đáng kể. Trong khi đó, giá phân bón thế giới giảm sâu do giá nguyên, nhiên liệu (dầu, khí) đầu vào giảm đã tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều giảm sút, khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á rất thấp, đặc biệt với các nhà máy vừa được đưa vào khai thác sản xuất trong giai đoạn này.
Do phân bón là hàng hoá không chịu thuế GTGT nên các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón cũng không được hoàn thuế GTGT cho trang thiết bị công nghệ cấu thành tài sản cố định của dự án, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án và trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm.
Với thực trạng trên, chính sách thuế đối với phân bón rất cần có sự thay đổi phù hợp tình hình và theo đúng định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón. Sự thay đổi này còn là yếu tố tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung.
Thưa ông, việc sửa Luật thuế 71 sẽ tác động tích cực như thế nào đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của ngành phân bón trong nước?
Như phân tích ở trên, theo tôi đánh giá là có 2 tác động: Thứ nhất, cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập sẽ công bằng hơn nếu phân bón là hàng hoá chịu thuế GTGT. Khi đó, phân bón nhập khẩu vẫn là mặt hàng quan trọng để các nhà sản xuất trong nước phải áp dụng các biện pháp quản trị nhằm giảm giá thành sản xuất.
Thứ hai là hàng hoá chịu thuế GTGT, các dự án đầu tư sản xuất phân bón cũng như các dự án cải tạo kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ do đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường. Ngoài ra, nó góp phần kích thích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhập khẩu các dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao, thế hệ mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện môi trường, đây là xu hướng thế giới những năm gần đây và trong tương lai gần.
Theo ông, thời gian qua chi phí đầu vào tăng cao tác động như thế nào với ngành phân bón và mình có chính sách gì hỗ trợ cho doanh nghiệp?
Trước đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5%.
Sửa đổi Luật số 71 giúp doanh nghiệp phân bón ổn định sản xuất hài hòa lợi ích của các bên |
Công văn của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết. Nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang khó khăn do tác động của một số chính sách và dịch Covid-19. Theo đó, việc điều chỉnh là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27/2/2020 về phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với quy định chung về thuế GTGT đối với sản xuất phân bón của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra theo tôi, chúng ta cần có một cơ chế về thuế linh hoạt hơn. Vì phân bón thường được sử dụng tập trung vào 3 mùa chính, khi đó “cầu” phân bón là rất cao, ngoài 3 vụ chính, “cầu” phân bón đột ngột giảm. Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam có một chính sách xuất, nhập khẩu phân bón (và nhiều hàng hoá khác) rất linh hoạt theo thị trường và khi Trung Quốc xuất khẩu tốt thì có nghĩa là sản xuất phân bón trong nước sẽ gặp khó khăn.
Cụ thể, Chính phủ cần linh hoạt áp thuế suất phù hợp, kịp thời theo diễn biến thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, cân bằng lợi ích giữa các bên: doanh nghiệp, xã hội và người nông dân.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Báo Công thương
- Chuyên gia thuế chỉ cách đo lường tác động áp 5% thuế GTGT đối với phân bón
- Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
- “Nóng” từ nhà máy, đồng ruộng đến nghị trường
- Khác biệt ra sao giữa việc phân bón không chịu thuế và chịu thuế GTGT 5%?
- Nhiều đại biểu tán thành áp thuế 5% đối với phân bón
-
Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM