Amcham: 95% doanh nghiệp không có ý định rời khỏi Trung Quốc
Starbucks tiếp tục đầu tư vào việc mở rộng 'dấu chân' của mình tại Trung Quốc. (Nguồn: AP) |
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 23/9-22/12/2020 với sự tham gia của 191 doanh nghiệp chủ yếu đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Bên cạnh đó, có 12% đến từ châu Âu và 18% đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Đại Dương.
Theo đó, dù các doanh nghiệp có phần lạc quan hơn về quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2021 so với các năm trước, nhưng khoảng 86% doanh nghiệp tin rằng, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung “rất có thể xảy ra” hoặc “có thể” sẽ mở rộng.
Tuy nhiên, 95% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ không muốn rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
TS. Harley Seyedin, Chủ tịch AmCham ở Nam Trung Quốc nhận định, có một sự đồng thuận chung trong cộng đồng doanh nghiệp rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ xem mối quan hệ Mỹ - Trung thông qua một lăng kính khác.
Đầu tháng này, Tổng thống Biden cho rằng, Washington sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức thuế quan đối với hàng hóa của Bắc Kinh.
"Tôi dự đoán, một thời kỳ 'trăng mật' khá dài, khi đó hai bên sẽ có cơ hội xem xét sự khác biệt của mình, đánh giá điều gì là quan trọng đối với mỗi quốc gia và bắt đầu đối thoại thân thiện, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau", TS. Harley Seyedin nói.
Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho rằng, thuế quan của Mỹ đã có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ, trong đó, các doanh nghiệp Mỹ bị tổn hại nhiều nhất.
55% số doanh nghiệp khẳng định, Trung Quốc vẫn là địa điểm đầu tư hàng đầu, con số này tăng 10% so với năm 2019.
Hơn 60% các doanh nghiệp dịch vụ tiêu dùng và 59% doanh nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp đã chọn Trung Quốc là ưu tiên đầu tư số 1 của họ.
Tuy nhiên, chỉ có 40% doanh nghiệp sản xuất chọn Trung Quốc là điểm đến hàng đầu, tương tự như kết quả năm ngoái. Điều này cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất dần sức hút với tư cách là cơ sở sản xuất.
Theo Amcham, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không phải là vấn đề duy nhất đè nặng lên các doanh nghiệp ở Nam Trung Quốc. 3/4 số doanh nghiệp được hỏi cho biết, hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế về thị thực và đi lại do đại dịch Covid-19, cả ở Trung Quốc và Mỹ.
Ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại ở Trung Quốc bao gồm việc hủy bỏ các chuyến bay quốc tế, tổ chức sự kiện và cuộc họp, cũng như sự vắng mặt của các giám đốc điều hành nước ngoài do bị "mắc kẹt" tại các quốc gia khác.
Amcham cũng nhận thấy, đại dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư vào Trung Quốc năm 2020.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, số lượng các khoản tái đầu tư, với các kế hoạch trị giá từ 250 triệu USD trở lên đã giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, các khoản tái đầu tư cũng giảm tới 65% so với năm 2019.
Cuộc khảo sát của Amcham còn cho thấy, việc cắt giảm các kế hoạch đầu tư lớn có liên quan đến việc số lượng giám đốc điều hành nước ngoài ở Trung Quốc vắng mặt nhiều hơn trong năm nay.
“Chúng tôi dự đoán rằng, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng sản xuất của Trung Quốc từ 2-3 năm tới", theo khảo sát của Amcham.
Theo Linh Chi/baoquocte.vn
-
Quá trình chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc đang ở đâu?
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”