Ai không dám làm, hãy từ chức!
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
“Khẩn” ở chỗ, buổi sáng cùng ngày, khi kết luận phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải đẩy nhanh tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phải chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu. Có như vậy mới tháo gỡ được rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách. Thế rồi ngay trong buổi tối, công điện được phát đi với những yêu cầu rất cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Tinh thần quyết liệt là ở chỗ, phải sửa sai ngay, không thể chậm trễ, ai không muốn làm, hãy từ chức!
Không thể chậm trễ vì đụng vào đâu, nhìn vào đâu cũng thấy sự trì trệ. Công việc không chạy. Kế hoạch, tiến độ như rùa bò. Giải ngân quá chậm. Công văn đi công văn lại như con thoi mà toàn bàn trên giấy, điều mà lẽ ra các địa phương, các ngành theo thẩm quyền đều có thể quyết được. Vì sao có sự “ùn ứ” này? Vì cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Chưa bao giờ thấy hiện tượng “lẩn bóng cây tùng” sum suê đến thế (!).
Lại đặt câu hỏi tiếp: Vì sao lại sợ sai? Là vì thời gian qua công cuộc “đốt lò” nóng quá. Không ít cán bộ, trong đó có những người giữ trọng trách bị xử lý kỷ luật, vướng vòng lao lý. Họ sa ngã vì nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân khá phổ biến: Tham. Đã tham thì phải liều, trong văn bản thường ghi “cố ý làm trái”, “vi phạm quy định”. Làm liều, làm ẩu như thế thì mới có nguồn thu cho nhóm lợi ích, cho “sân sau” và sẽ nhận được những món lại quả béo bở. Và những món phần trăm, phần nghìn này ngày càng nóng lên với những con số hàng chục cho đến hàng trăm tỷ đồng.
Nhưng làm thế nào để phân biệt người có suy nghĩ độc lập, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với người làm liều hoặc cố tình làm sai để kiếm chác? Thật ra không khó để phân biệt. Là bởi mục đích, động cơ làm việc nơi họ hoàn toàn khác nhau. Người có tư duy đột phá, dám làm khác với những điều được quy định sẵn vì lợi ích chung thì không có điều gì khuất tất. Họ báo cáo đầy đủ với tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân. Điều này hoàn toàn khác với những anh “lặng lẽ”, “bí mật”, hoặc “ xin ý kiến” một cách hình thức để hợp lý hóa mưu đồ của mình.
Để né tránh, để cái sai không “chụp xuống đầu”, ở nhiều nơi có tình trạng đá bóng sang chân người khác. Họ xin ý kiến ngang, ý kiến dọc, đẩy lên cấp trên. Vì cái sự an toàn ấy cho nên công việc mới bê trễ, ách tắc. Có những công văn trao đổi, xin ý kiến chạy lòng vòng mất cả năm trời để đổi lấy mấy từ “thực hiện theo thẩm quyền”. Dẫn chứng về điều này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã gửi 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ. Và Bộ đã trả lời 604 văn bản. Đáng lưu ý hầu hết các vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP. Cố nhiên, chuyện hỏi và đáp này không chỉ có ở TP Hồ Chí Minh, cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu, từ nay trở đi, các Bộ trưởng quyết định công việc theo thẩm quyền, không trình Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền; không được chuyển công việc của mình sang bộ khác. Các bộ cần thẳng thắn từ chối trả lời, trả lại văn bản cho địa phương nếu xin ý kiến không đúng thẩm quyền. Nhưng không phải cứ trả lại là xong, yêu cầu các bộ, ngành phải có bước chuyển về tư duy; phải chuyển từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn. Công điện cũng nêu nhiều giải pháp cụ thể khác. Đây được xem là liều thuốc để chữa căn bệnh né tránh trách nhiệm, một sự “cẩn thận” vô lối nhằm chối bỏ trách nhiệm.
Mặc dù công điện của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ yêu cầu, mục tiêu, trách nhiệm, giải pháp thực hiện, nhưng mới chỉ là những chỉ đạo mang tính cấp bách, là liều thuốc chữa căn bệnh cấp tính. Để có những giải pháp căn cơ, các cơ quan tham mưu như Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ phải khẩn trương đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định, tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện công vụ. Tiếp tục cụ thể hóa quy trình để cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu gương mẫu thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Không chỉ trong doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh mới cần những KOL (người có sức ảnh hưởng) mà thời nay trong bộ máy Đảng, Nhà nước cũng rất cần những KOL như thế. Họ là thủ trưởng cũng là thủ lĩnh, như một “già làng”, nói gì là dân tin và nghe theo. Khi người đứng đầu, người quyết định, cùng chia sẻ khó khăn, chịu trách nhiệm cao nhất, thì cán bộ cấp dưới mới yên tâm khi đưa ra các quyết định của mình, tránh được tâm lý sợ hãi cố hữu, thụt đầu trong cổ áo, “quyền rơm vạ đá”, “bút sa gà chết”.
Và xin thưa rằng, những ai cầu an, những ai nói hay làm dở, nói mà không làm, những ai làm việc gì cũng đòi hưởng lợi, đòi “ăn chia” thì nên dẹp sang một bên cho người khác làm, nói thẳng ra là nên từ chức. Không kiên quyết như thế, theo cách nói dân gian, chừng nào còn kẻ bầy bừa thì chỉ khổ người thu dọn. Trung ương đã có quy định về việc từ chức của cán bộ. Nếu không tự giác, theo quy định, phiếu tín nhiệm quá thấp thì kiên quyết cho những cán bộ kém đức, bất tài thôi chức và cách chức.
Hải Đường