Ả Rập Xê-út trên đường trở thành quốc gia dẫn đầu về khí đốt toàn cầu
Ảnh: OP |
Thời điểm hiện tại, Ả Rập Xê-út khai thác khoảng 4,2 nghìn tỷ feet khối (Tcf) mỗi năm - trở thành nhà khai thác lớn thứ 9 trên thế giới - nhưng điều này chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuần trước, thị trường đã ghi nhận hai thông báo, được xem là phù hợp với mục tiêu của Ả Rập Xê-út trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn vào năm 2030, cũng như một phần của kế hoạch "Tầm nhìn 2030".
Hai thông báo này được đưa ra là một phần trong tuyên bố của ông lớn Saudi Aramco, về việc ký kết các hợp đồng trị giá hơn 25 tỷ USD để thực hiện các dự án mở rộng lĩnh vực khí đốt.
Theo Giám đốc điều hành Amin Nasser, 8,8 tỷ USD sẽ được chi để tăng quy mô và phạm vi mạng lưới khí đốt của Vương quốc, đặc biệt thông qua phát triển giai đoạn thứ ba của Master Gas System hay còn gọi là MGS. Ngoài các giàn khoan mới và chi phí bảo trì công suất liên tục, số tiền này còn được dùng để bổ sung khoảng 4.000 km đường ống vào cơ sở hạ tầng hiện tại và 17 đơn vị nén khí mới.
Những điều này nhằm mục đích tăng công suất lên khoảng 3,15 tỷ feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày và kết nối mạng lưới khí đốt nhiều thành phố hơn.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nhận định rằng, nằm trong kế hoạch thay thế khí đốt cho dầu trong sản xuất điện tại địa phương, nhu cầu khí đốt tự nhiên tại Vương quốc này dự kiến sẽ tăng 3,7% mỗi năm từ nay đến năm 2030.
Ngoài ra, 12,4 tỷ USD sẽ được đầu tư vào giai đoạn thứ hai trong kế hoạch mở rộng mỏ khí đốt phi truyền thống Jafurah của Saudi Aramco. Số tiền này được chia cho 16 hợp đồng mới, bao gồm việc xây dựng các cơ sở nén khí và các đường ống liên quan, cũng như việc mở rộng Nhà máy khí đốt Jafurah để kết hợp với việc xây dựng các đơn vị xử lý khí đốt mới, các tiện ích và cơ sở xuất khẩu. Nó cũng sẽ bao gồm việc xây dựng các cơ sở phân đoạn Chất lỏng khí tự nhiên (NGL) Riyas mới của Saudi Aramco ở Jubail, được thiết kế để xử lý NGL nhận được từ Jafurah.
Sản lượng khí đốt tăng lên này sẽ mang lại nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu rất đáng hoan nghênh cho một quốc gia đang phải vật lộn để phục hồi hoàn toàn, sau Cuộc chiến giá dầu giai đoạn năm 2014-2016 và 2020.
Năm ngoái, Ả Rập Xê-út sản xuất ít hơn 70% lượng điện từ khí đốt, phần lớn còn lại là từ dầu mỏ. Vậy câu hỏi quan trọng đối với mỏ khí đốt này là liệu nó có đạt được mục tiêu đề ra hay không?
Tháng 3/2024 chứng kiến sự gia tăng bất ngờ 15 Tcf về mức độ trữ lượng khí hiện có trong mỏ. Nếu điều này đúng, sẽ đưa tổng trữ lượng ở mỏ phía đông Saudi - nơi phát triển khí đá phiến lớn nhất bên ngoài nước Mỹ - lên tới khoảng 229 Tcf, hay khoảng 6,5 nghìn tỷ m3 (Tcm).
Để so sánh, tổng trữ lượng khí đốt đã được chứng minh của Nga là khoảng 48 Tcm, của Iran là khoảng 34 Tcm và của Qatar là trên 24 Tcm. Đồng thời, lượng dầu thô được đốt để tiêu thụ năng lượng trong nước đã tăng lên trong vài năm qua lên hơn 500.000 thùng mỗi ngày. Trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt của những tháng mùa hè, con số này tăng lên khoảng 900.000 thùng/ngày do máy điều hòa không khí vẫn hoạt động hết công suất trong phần lớn thời gian.
Kế hoạch lâu dài là sản lượng khí đốt từ Jafurah sẽ đạt 2,2 tỷ feet khối mỗi ngày (bcf/d) vào năm 2036.
Tổng lượng khí đốt mới dự kiến đến từ mỏ khí đốt phi truyền thống vào năm 2030 là khoảng 334.000 thùng/ngày, so với lượng dầu hiện tại 500.000 - 600.000 thùng/ngày, đang được đốt để phát điện ở Ả Rập Xê-út.
Hơn nữa, dựa trên các ước tính độc lập trong ngành về nhân khẩu học đang thay đổi của Ả Rập Xê-út và mô hình nhu cầu điện thay đổi tất yếu, Vương quốc này có thể sẽ cần sản lượng khí đốt khoảng 23-25 bcf/ d trong vòng 15 năm tới chỉ để đáp ứng nhu cầu điện và công nghiệp của chính mình.
Tóm lại, ngay cả khi chất lượng của phát hiện ở Jafurah là vô song trong lịch sử phát hiện khí đốt của Ả Rập Xê-út, Vương quốc này vẫn sẽ bị thâm hụt trong lĩnh vực sản xuất điện nếu có sự chuyển đổi thẳng từ đốt dầu thô sang chỉ sử dụng khí đốt.
Với sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực khí đốt và nhận thức của Ả Rập Xê-út rằng họ đã tụt lại phía sau, hai thông báo gần đây từ Riyadh có thể báo hiệu những cơ hội mới để Washington khôi phục mối quan hệ có lợi cho đôi bên.
Việc ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt có thời hạn 20 năm gần đây để Tập đoàn NextDecade của Mỹ bán LNG cho Saudi Aramco, có thể mang ý nghĩa quan trọng vượt ra ngoài giới hạn của thị trường năng lượng.
Bình An
-
CNOOC công bố sản lượng dầu khí kỷ lục
-
Phân tích và dự báo nhu cầu khí đốt Ấn Độ từ nay đến năm 2040
-
Chứng minh việc thắt chặt lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu
-
Công ty con của Lukoil tìm cách khôi phục hoạt động tại Mỹ
-
Nguy cơ trì trệ kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu