6 lễ hội lớn tại Hà Nội trong tháng Giêng
1. Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh
Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra tại đền Hai Bà Trưng (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến công ơn của hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023. Ảnh: Báo PNTĐ. |
Lễ hội Hai Bà Trưng cũng là một trong những lễ hội xuân lớn của Hà Nội. Đặc sắc nhất của lễ hội chính là ở phần rước kiệu vào chính hội ngày mùng 6. Kiệu bà Trưng Trắc đi trước sau đó khi qua cổng đền thì kiệu Trưng Nhị lên dẫn đầu. Thể hiện ý nghĩa “Nội gia tỉ muội, ngoại quốc quân thần”.
Song hành với tế lễ, bên ngoài có rất nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, hội thi nấu cơm, bịt mắt bắt dê, chọi gà…
2. Hội Gò Đống Đa
Hội Gò Đống Đa hay còn gọi là Hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16/2 (mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng). Đây là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Lễ hội Gò Đống Đa tưởng nhớ vua Quang Trung. Ảnh: Báo Tiền phong. |
Các nghi lễ như lễ rước kiệu, nghi thức tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương đảm bảo tính truyền thống; phần hội diễn ra với các hoạt động văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, cờ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian. Đặc biệt, năm 2024, sau phần nghi lễ trang nghiêm vào ngày mùng 5, phần hội sẽ diễn ra hai ngày, trong đó thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thêm một đêm nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
3. Hội đền Gióng
Hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội kéo dài trong ba ngày liên tiếp với các nghi lễ truyền thống: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Theo truyền thuyết xưa, nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời.
Lễ hội đền Gióng Sóc Sơn. Báo Văn hóa. |
Vào ngày mùng 7 âm lịch, là phần lễ rước voi rất hoành tráng với hàng nghìn người tham gia. Dù đã trải qua rất nhiều thế hệ nhưng lễ hội Đền Gióng vẫn không thay đổi. Các lễ hội mùa xuân nói chung và lễ hội đền Gióng vẫn giữ nguyên được nét đẹp về giá trị văn hoá, tinh thần đến giới trẻ ngày nay.
Năm 2011 Hội Gióng (gồm hai lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
4. Lễ hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ An Dương Vương ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sáng mùng 6 Tết, hội mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12 giờ trưa). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.
Lễ hội đền Cổ Loa. Ảnh: Báo Dân tộc. |
Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
5. Lễ hội chùa Hương
Từ tháng 1 - 3 âm lịch diễn ra lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Trong đó, đặc sắc nhất là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.
Du khách đi thuyền trên Suối Yến vào chùa Hương. Ảnh: VOV. |
Thời gian này du khách sẽ có cơ hội tham dự những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của lễ hội và hòa mình vào trong không khí tưng bừng nơi đây. Chùa Hương là một quần thể kiến trúc nằm theo chuỗi trong thung lũng Suối Yến gồm các di tích: Đền Trình - Chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trần Song - Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng.
6. Lễ hội đền Sái
Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, đền Sái (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) đều tổ chức lễ rước vua giả (hay còn gọi là rước vua sống) để tưởng nhớ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã giúp An Dương Vương trừ yêu, xây thành Cổ Loa.
Lễ hội đền Sái: Ảnh: Báo Tin tức. |
Tương truyền lễ hội đã có “ngót nghét” 2.000 năm và để tạc ghi công đức của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, nhà vua cho xây dựng đền Sái trên núi Thất Diệu Sơn và hàng năm cứ vào mùa xuân nhà vua lại đích thân xa giá về bái yết tại đền.
Quang Phú
-
Khai mạc Giải chạy Marathon Quốc tế Strong Vietnam 2024 tại Vũng Tàu
-
Làng rau Trà Quế được công nhận "Làng Du lịch tốt nhất" năm 2024
-
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc
-
Gần 500 nghệ sĩ quy tụ tại chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”
-
Quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Lai Châu tại Đà Nẵng