5K trong bình thường mới: Bỏ "K" nào?
Tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế Covid-19 tại tất cả cửa khẩu của Việt Nam |
"Thông điệp 5K" có còn phù hợp khi thích ứng Covid-19? |
Phát biểu tại hội nghị sáng 26/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sắp tới Việt Nam sẽ bỏ khai báo y tế nội địa. Sau đó một ngày, Bộ Y tế đã có công văn về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với Covid-19.
Việc sẽ bỏ "Khai báo" trong khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) là một trong những bước tiến để đưa cuộc sống trở lại bình thường hậu đại dịch.
Sau "Khai báo", những "K" nào trong khuyến cáo 5K không còn phù hợp với tình hình mới và sẽ được loại bỏ? Đây trở thành vấn đề được dư luận quan tâm.
Không quá băn khoăn giữ "K" nào, bỏ "K" nào
"Chúng ta không nên quá băn khoăn việc bỏ "K" nào" và giữ "K" nào, mà cần có phương án áp dụng linh hoạt", đây là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Theo ông, trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu để dự phòng Covid-19, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. |
Trước kia, khi Covid-19 chưa xuất hiện, khuyến cáo 5K chưa được đưa ra nhưng chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp của 5K để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt các bệnh lây truyền theo đường hô hấp và tiêu hóa.
"Ví dụ như trước kia chúng ta vẫn khuyến cáo đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hô hấp; "khử khuẩn" chính là việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; "khoảng cách" là cách ly những người nhiễm bệnh. Vừa qua, chúng ta áp dụng 5K để phòng Covid-19 đã giúp giảm đi rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp và bệnh đường tiêu hóa như: cúm, tay chân miệng, ngộ độc thức ăn… Do đó, dù hết Covid-19, chúng ta vẫn nên khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp rất có giá trị về phòng bệnh này", PGS Phu cho hay.
Chuyên gia này nêu dẫn chứng:
Về việc "khử khuẩn" chúng ta vẫn nên duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng.
Về giữ khoảng cách, chúng ta không tiếp xúc gần với người có dấu hiệu nghi ngờ như: sốt, ho, đau họng. Ngược lại người có triệu chứng cũng cần chủ động giữ khoảng cách để phòng bệnh cho những người khác.
Vấn đề khai báo y tế nên bỏ vì lúc này chúng ta không còn phong tỏa, không còn truy vết. Thế nhưng, cần có tính linh động, trong trường hợp một biến chủng nguy hiểm xuất hiện, chúng ta có thể lại áp dụng biện pháp khai báo y tế.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần thận trọng với những người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine Covid-19. Vì nếu không may mắc Covid-19, đây vẫn là đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng, thậm chí là tử vong.
"Do đó, theo tôi bây giờ chúng ta đặt ra câu chuyện nên bỏ "K" nào hay áp dụng "2K"… là không cần thiết. Vấn đề cần quan tâm đây là các biện pháp dự phòng cá nhân. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp, hình thức để nêu cao tinh thần tự nguyện áp dụng các biện pháp phòng bệnh của người dân, không chỉ Covid-19 mà còn nhiều bệnh khác", PGS Phu nêu quan điểm.
Phân cấp độ việc thực hiện 5K một cách linh hoạt
Theo PGS Phu, trong thời gian tới, chúng ta nên xác định áp dụng một cách linh hoạt việc thực hiện 5K. Cụ thể cần phân cấp độ việc áp dụng biện pháp này: Từ dựa trên ý thức người dân tự nguyện cho đến khuyến cáo và cao nhất là bắt buộc tùy theo từng hoạt động, từng khu vực, tùy môi trường.
PGS Phu nói: "Điều quan trọng nhất là cần đánh giá nguy cơ đúng để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả".
Theo PGS Phu, việc đeo khẩu trang khi ra đường là cần thiết và trên tinh thần tự nguyện cá nhân. |
Lấy ví dụ về việc đeo khẩu trang, chuyên gia này phân tích, trong hoàn cảnh nguy cơ thấp ví dụ như khi người dân đi ra đường, đi dạo trong công viên, trong không gian thoáng…, không cần thiết phải bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Chỉ nên đề nghị người dân đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ cao như: xe bus, máy bay, bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động đeo khẩu trang, để bảo vệ người khác.
"Trong trường hợp này, nên đưa về phân độ khuyến khích nghĩa là không bắt buộc để nhỡ ai đó không đeo khẩu trang thì không bị xử phạt. Ví dụ như người không đeo khẩu trang không được lên xe bus, máy bay", PGS Phu phân tích, "Tôi cho rằng, việc đeo khẩu trang khi ra đường là cần thiết và trên tinh thần tự nguyện cá nhân. Việc đeo khẩu trang ngoài đường giúp phòng tránh Covid-19 và các bệnh lây qua đường hô hấp, khẩu trang còn giúp phòng khói bụi".
Các "K" khác như khử khuẩn hay khoảng cách cũng tương tự. Đây đều là những biện pháp rất tốt trong phòng bệnh. Chúng ta cần xác định sẽ quy định áp dụng trong hoàn cảnh nào, bằng cách thức nào: từ tự nguyện của người dân cho đến bắt buộc.
Theo Dân trí
-
Quảng Nam: Một huyện ban bố dịch bệnh dại
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
- Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
- Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 22/11/2024: Tuổi Tý thể hiện khả năng, tuổi Ngọ tinh thần hăng hái
- Tử vi ngày 21/11/2024: Tuổi Tỵ thành quả xứng đáng, tuổi Dần vị thế nổi bật
- Tử vi ngày 20/11/2024: Tuổi Mão cơ hội tiềm năng, tuổi Dậu ứng biến nhanh nhạy
- Tử vi ngày 18/11/2024: Tuổi Mùi đào hoa nở rộ, tuổi Thân vận may tìm đến
- [Chùm ảnh] Đà Lạt một sớm bình yên
- Tử vi ngày 17/11/2024: Tuổi Tuất xác định mục tiêu, tuổi Dậu sự nghiệp hanh thông