2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 1225/QĐ-TTg về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 14) đối với 2 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh tại tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm:
- Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
- Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Di tích lịch sử Quần thể Thương cảng Vân Đồn |
Theo tài liệu lịch sử, Thương cảng Vân Đồn được thành lập năm 1149 dưới thời vua Lý Anh Tông là một trong những thương cảng ngoại dịch đầu tiên ở nước ta. Quy mô của hệ thống thương cảng Vân Đồn một thời sầm uất đã được các nhà khảo cổ ghi nhận qua việc phát hiện nhiều bến bãi với những mảnh vỡ đồ gốm, sành, sứ… trên các bãi biển và dưới lòng đất. Bên cạnh đó qua dấu tích nền nhà cổ thường bắt gặp các hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc các triều đại phong kiến Trung quốc từ thời nhà Đường tới thời nhà Thanh, tiền Việt Nam từ thời nhà Lý tới thời nhà Nguyễn trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn…
Từ cuối thời Trần và đầu thời Lê, vai trò của Thương cảng Vân Đồn và vùng cảng biển Đông Bắc trong hệ thống hải thương khu vực và quốc tế được biết đến nhiều qua chức năng trung chuyển và xuất khẩu gốm sứ. Bên cạnh chức năng trung chuyển gốm sứ của Trung Quốc ra thị trường khu vực, Vân Đồn còn được biết đến như cửa ngõ đưa gốm sứ Đại Việt (men nâu thời Trần và men lam thời Lê sơ) ra thị trường quốc tế.
Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ |
Đình Trà Cổ là một trong những Di tích Lịch sử Văn hóa, Kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1974.
Về niên đại của Đình Trà Cổ, đến nay chưa tìm thấy các căn cứ lịch sử, khoa học khẳng định niên đại chính xác của Đình Trà Cổ, có nhiều ý kiến được đưa ra, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ XV. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm kiến trúc còn lưu giữ được, có thể phỏng đoán Đình Trà Cổ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XVIII. Di tích được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ, có bề dày lịch sử, văn hóa, có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đã kế thừa được những tinh hoa nghệ thuật của cả một giai đoạn lịch sử.
Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong…
Hằng năm, từ ngày 30/5 – 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi "Ông voi" (lợn) độc đáo.
N.H
Thêm 11 di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt |
Đền Thác Bà nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia |
Văn hóa Sa Huỳnh đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt |
-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo Thủ đô
-
Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp mở cửa tại Hà Nội
-
Triển lãm Ikebana Hà Nội lần thứ VII: Trở về tâm thế thuần khiết
-
Cơ hội xem những bộ phim tài liệu về phát triển bền vững
-
Khám phá những làng nghề truyền thống ở Hưng Yên